Giá Ván Gỗ Công Nghiệp Biến Động do Covid 19
Tính đến đầu quý II/2021, giá gỗ nguyên liệu – gỗ công nghiệp đã tăng 10 – 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và giá cước vận chuyển tăng là 2 nguyên nhân chính của tình trạng này.
Thiếu nguồn cung nguyên liệu
Do tác động của dịch Covid-19, giãn cách xã hội khiến năng lực xử lý hàng hóa tại các cảng ở châu Âu và Bắc Mỹ sụt giảm. Nhu cầu về các mặt hàng nội thất tăng nhưng nguồn cung bị tắc nghẽn bởi cản trở lưu thông từ quá trình vận chuyển. Khả năng sản xuất của các khu vực như Mỹ La-tinh, Đông Âu hay Nam Á cũng bị sụt giảm dẫn đến tình trạng Mỹ và châu Âu tăng cường nhập khẩu từ khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.
Thiếu nguồn cung là tình trạng kéo dài từ năm 2020 đến nay
Tuy cơ hội xuất khẩu lớn nhưng Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh trong việc xử lý hàng hóa, và không có đủ nguồn lực cho ngành vận chuyển, đặc biệt là vận chuyển đường tàu biển. Thị trường vận tải biển quốc tế phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các hãng tàu nước ngoài, đội tàu biển Việt Nam chỉ đủ năng lực đảm nhận khoảng 7% thị phần.
Vận chuyển khó khăn khiến cho các mặt hàng xuất nhập khẩu bị ngừng trệ, nhiều doanh nghiệp lao đao vì chi phí tăng cao, thậm chí ít container rỗng, nhiều chuyến hàng phải hoãn hoặc hủy. Nguồn cung của ván gỗ nguyên vật liệu, ván gỗ công nghiệp do vậy trở nên khan hiếm và đẩy giá thành tăng ước tính từ 10 – 15%. Cùng với đó, giá các sản phẩm phụ trợ với ngành công nghiệp gỗ và chế biến nội thất như keo, nẹp và phụ kiện cũng cao hơn dao động từ 5 – 10% so với giá bán cùng kỳ năm ngoái.
Bài toán tăng giá cước vận chuyển
Giá gỗ công nghiệp tại Việt Nam thực tế đã tăng từ tháng 9/2020. Vòng lặp tăng giá này sẽ tiếp tục ít nhất đến quý 3 năm nay. Một trong những nguyên nhân chính là do giá cước tàu biển tăng cao gây khó khăn trong việc đặt thuê tàu và container rỗng để đóng hàng. Đây là tình trạng chung của năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid 19. Không chỉ ngành nông sản, thủy sản bị ảnh hưởng khi xuất đi các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ, ở chiều ngược lại, nguồn nhập hàng về Việt Nam cũng gặp trở ngại lớn. Đơn cử như cước thuê container từ Thái Lan về Việt Nam trước tháng 10/2020 chỉ 60 USD, đến tháng 11 đã lên tới 600 USD. Thái Lan là thị trường cung cấp ván MDF lớn nhất cho Việt Nam. Với tình trạng giá cước vận chuyển tăng, giá ván tăng là câu chuyện không thể tránh khỏi.
Container rỗng hiện đang bị thiếu hụt nghiêm trọng gây khó khăn cho xuất nhập khẩu
Theo tạp chí Gỗ Việt, tại thị trường EU, giá cước đường biển tăng từ 400-500 USD/container ở chiều nhập khẩu, cước trung bình thời điểm tháng 11/2020 ở mức 1.100 USD/container 40 feet, thì tới tháng 3/2021 tăng lên 1.500 USD/ container 40 feet. Còn với thị trường Hàn Quốc, trước tháng 3/2020, cước trung bình từ 100 – 150 USD/container 40 feet, vào lúc này, cước trung bình từ 1.300 – 1.400 USD/container, có thời điểm giá cước tăng lên 1.700 USD/container 40 feet. Việc tăng cước đột biến như vậy đã khiến các doanh nghiệp lao đao để ứng phó, khi cùng một lúc đang phải đối mặt với những khó khăn về thị trường, nguồn cung do ảnh hưởng của Covid-19.
Cuối tháng 3/2021, siêu tàu Ever Given gặp sự cố và mắc kẹt gần 1 tuần trên kênh đào Suez cũng đã gia tăng thiệt hại cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19. Sự cố của tàu Ever Given được đánh giá tác động ít nhất tới chuỗi cung ứng toàn cầu từ 2 đến 3 tháng và làm vận chuyển đường biển đã khó nay lại càng khó hơn. Chính những tác động này đã ảnh hưởng đến giá cả của mọi sản phẩm, khiến phí vận chuyển đường biển tăng phi mã.
Siêu tàu Ever Given mắc kẹt trên kênh đào Suez khiến chi phí vận tải biển tăng phi mã
Từ tháng 10/2020, nhiều hãng vận tải container đã thông báo tăng phụ phí Rate Retoration (phí đảo chuyển) đối với container Việt Nam đi các thị trường châu Á ở mức 50 – 200 USD áp dụng từ ngày 1/2/2020. Phụ phí mùa cao điểm cũng tăng từ 150 – 450 USD. Giá thuê tăng cao nhưng vẫn rất nhiều doanh nghiệp không thể đặt do thiếu container rỗng tại cảng. Theo ông Mirko Woitzik – Chuyên gia quản lý giải pháp phòng ngừa rủi ro tại công ty xử lý rủi ro chuỗi cung ứng Resilience36, trong tháng 12/2020, cước phí vận tải chuyến từ châu Á tới Bắc Âu tăng 264% so với cùng kỳ năm trước.
Lượng container rỗng hiện đang tồn đọng chủ yếu tại Bắc Mỹ và châu Âu trong khi ở Trung Quốc và khu vực Đông Á lại xảy ra sự thiếu hụt nghiêm trọng. Đặc biệt là ở Trung Quốc, tình trạng thiếu hụt còn xảy ra sớm hơn. Tận dụng đà hồi phục sau đại dịch nhanh hơn so với Mỹ và châu Âu, quốc gia này thu gom một lượng lớn container vào thị trường nội địa – chiếm tới 50% tổng số lượng toàn cầu gây khan hiếm cho nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam. Ngành gỗ ước tính sẽ thiếu khoảng 15 – 20% số lượng container trong năm 2021.
Bên cạnh đó, việc gián đoạn nguồn cung và sản lượng tồn kho thấp cộng thêm gián đoạn trong vận chuyển hàng hóa khiến nhiều nhà nhập khẩu có tâm lý dự trữ bằng mọi giá, đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu chấp nhận chi phí cao để được xuất hàng. Việc phải trả tăng thêm từ vài trăm đến hàng nghìn USD cho mỗi container đẩy chi phí xuất khẩu tăng đột biến khiến nhiều doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, thậm chí có nguy cơ thua lỗ nặng.
Nhiều hãng tàu đã thông báo cắt dịch vụ trên một số chặng và chưa có kế hoạch cho năm 2021. Trung bình thời gian giao hàng bị chậm từ 7 – 20 ngày khiến chi phí lưu kho lưu bãi bị đội lên 5 – 10% giá trị lô hàng.
Với tình trạng giá gỗ công nghiệp sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021, các doanh nghiệp cần có chiến lược cụ thể trong việc lựa chọn nguồn hàng và ngành hàng sẽ cung ứng cho thị trường, có kế hoạch chủ động về nguồn vốn và phương thức vận chuyển để cung ứng hàng một cách phù hợp và hiệu quả nhất. Về phía các xưởng sản xuất có nhu cầu với ván gỗ công nghiệp, việc tập trung cải biến kỹ thuật và dịch vụ chăm sóc khách hàng sẽ là những bước đi cần thiết trong bối cảnh nguồn hàng đang khan hiếm và bị đội giá thành lên cao.
Trong bối cảnh hiện tại, giá ván gỗ công nghiệp dự đoán còn tiếp tục tăng, bởi vậy cạnh tranh về giá không phải là lựa chọn thông minh cho cuộc đua trong ngành nội thất nói chung và gỗ công nghiệp nói riêng. Các doanh nghiệp dẫn đầu và nhạy bén với thị trường sẽ có những cải tiến linh hoạt và sáng tạo về sản phẩm, phong cách đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng , ứng phó sự biến động của thị trường.
Xem thêm